Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

VietBank tài trợ vốn cho Tập đoàn Dệt may Việt nam

(Vay thế chấp) - Vinatex sẽ đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng từ nguồn tiền tài trợ của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tín dụng nhằm thúc đẩy, xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa cho tập đoàn vào ngày 18/6.

Thông qua thỏa thuận hợp tác, VietBank sẽ tài trợ vốn cho các công ty liên kết, công ty con trong phương án liên kết với Vinatex đáp ứng đầy đủ điều kiện cho vay với lãi suất cho vay ưu đãi cùng thời gian vay phù hợp.


Ông Dương Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT VietBank khẳng định ngân hàng xem việc hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động, tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi… là ưu tiên hàng đầu.

"Sau lễ ký kết chúng tôi sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi tối đa về tỷ giá, lãi suất, phí dịch vụ cho Vinatex cũng như các công ty liên kết, công ty con trong phương án liên kết với Vinatex. Đặc biệt gần 85.000 người lao động làm việc tại Vinatex cũng sẽ được tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính của VietBank", ông Hòa nhấn mạnh.

Còn lãnh đạo Vinatex kỳ vọng thỏa thuận hợp tác toàn diện này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh dệt may Việt Nam. Với nguồn vốn tài trợ, Vinatex sẽ chủ động đầu tư mạnh mẽ vào máy móc thiết bị, nhà xưởng, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, giúp tạo giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho tập đoàn.

Minh Trí - vnexpress

Thêm 4.000 tỷ đồng cho người nghèo vay

(Vay thế chấp) - Hạn mức tối đa một hộ nghèo có thể vay cũng được Chính phủ nới từ 30 triệu lên 50 triệu đồng theo quyết định mới.

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 899 bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2015 của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tăng từ 6,5% lên mức 10% (tăng 11.600 tỷ đồng so với đầu năm 2015). Như vậy, so với kế hoạch ban đầu, dư nợ cho người nghèo, các đối tượng chính sách sẽ tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm tổng dư nợ của Ngân hàng chính sách xã hội sẽ đạt mức trên 141.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa một hộ nghèo được tăng từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng một hộ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/6.

Ngân Hà -vnexpress

Nam A Bank hỗ trợ người mua nhà vay ưu đãi

(Vay thế chấp) - Người mua căn hộ cao cấp Diamond Bay Resort II tại TP Nha Trang được vay vốn đến 70% tổng giá trị căn hộ với lãi suất từ 0% năm đầu tiên, thời gian vay tối đa 20 năm và thế chấp bằng chính căn hộ mua. 

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hoàn Cầu về việc hỗ trợ gói vay ưu đãi dành cho khách hàng mua căn hộ cao cấp Diamond Bay Resort II tại TP Nha Trang.


Diamond Bay Resort II nằm trong quần thể Diamond Bay City - thành phố nghỉ dưỡng trên biển được đầu tư 4 tỷ USD bởi Tập đoàn Hoàn Cầu. Dự án được xây dựng trên khuôn viên gần 10,8ha, ngay mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, TP Nha Trang, gần bãi biển Nhũ Tiên, nằm giữa sân golf 18 lỗ và khu Diamond Bay Resort & Spa hiện hữu của quần thể du lịch nghỉ dưỡng Diamond Bay City, cách sân bay Cam Ranh 22km.

Ông Vũ Đức Thực - quyền Giám đốc Nam A Bank Hà Nội cho biết, ngoài việc ưu đãi lãi suất, ngân hàng còn tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà với các thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng.

"Chúng tôi cam kết đảm bảo thanh toán nghĩa vụ phát sinh thay cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ", ông Thực nhấn mạnh.

Trong đợt mở bán căn hộ Diamond Bay Resort II lần hai vào ngày 21/6 tại Hà Nội, Tập đoàn Hoàn Cầu đưa ra giá bán căn hộ từ 1,2 tỷ đồng (chưa VAT) cùng nhiều ưu đãi như tặng gói trang trí nội thất trị giá từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, tặng kỳ nghỉ miễn phí gồm vé máy bay khứ hồi, dịch vụ đưa đón limousine, đêm nghỉ tại Diamond Bay City. Ngoài ra còn có cặp vé tham dự đêm chung kết Hoa hậu Hoàn Vũ 2015 diễn ra tại Diamond Bay City, thẻ đồng thương hiệu Diamond Bay City - Nam A Bank có hạn mức 5% giá trị căn hộ và nhiều quyền lợi khác.

 Minh Trí - vnexpress



Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

"Thách thức kép" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(Vay thế chấp) - Theo số liệu thống kê, sau 4 năm (2011 - 2014) cả nước mới cổ phần hóa được 242 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đạt 56% so với kế hoạch đề ra; số còn lại 289 DN, chiếm gần một nửa (44%) số DN phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Đây là một áp lực lớn, bởi mục tiêu này đang gặp phải “thách thức kép”: Vừa phải hoàn thành tiến độ và kế hoạch cổ phần hóa, vừa phải đảm bảo chất lượng cổ phần hóa, trong đó nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cổ phần hóa là tạo ra động lực mới nhờ đổi mới quản trị DN (quản trị DN) và sự đột phá do có sự tham gia của nhân tố nhà đầu tư - cổ đông chiến lược.

Theo phân tích của các chuyên gia, việc cổ phần hóa chậm, chưa đúng với lộ trình, chưa bảo đảm tiến độ, còn nhiều đối tượng DN quy mô lớn chưa cổ phần hóa do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu là tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi đã ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Số lượng DN cổ phần hóa được trong 4 năm 2011, 2012, 2013, 2014 từ rất ít đến tăng dần (tương ứng các năm là 12, 13, 74, 143 DN).


Một mặt, kinh tế vĩ mô không thuận lợi, kinh tế suy giảm ảnh hưởng rất lớn đến cầu của thị trường, từ đó ảnh hưởng đến IPO các DN cổ phần hóa. Mặt khác, trong những năm này Chính phủ và các bộ, ngành tập trung nhiều nỗ lực vào điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, vì thế cũng ảnh hưởng đến các nỗ lực thực hiện cổ phần hóa và tiến độ cổ phần hóa.

Cho đến nay, cổ phần hóa chủ yếu tiến hành đối với các DNNN quy mô nhỏ để giảm mạnh số lượng DNNN. Số DNNN còn lại chưa cổ phần hóa và sẽ cổ phần hóa tiếp là những DNNN quy mô lớn, chủ yếu là tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Việc cổ phần hóa các DNNN quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty khó tiến hành hơn vì có nhiều vấn đề hơn DNNN nhỏ. DN lớn như các tập đoàn kinh tế và tổng công ty buộc phải tái cơ cấu lại trước khi cổ phần hóa, như: Phải sắp xếp lại sản xuất, tái cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, cán bộ, lao động..., nên đã ảnh hưởng đến tiến độ, lộ trình cổ phần hóa.

Một lý do nữa không thể bỏ qua là bài toán lợi ích giữa chưa cổ phần hóa và cổ phần hóa, thời điểm tiến hành cổ phần hóa đối với DN và đối với cá nhân của những người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý DN. Đây là một lý do làm chậm quá trình cổ phần hóa. Ngoài ra, việc cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước cũng đang phải đối diện với không ít những vấn đề, như: tình trạng DN sau cổ phần hóa vẫn chưa thoát ra khỏi phương thức hoạt động của DNNN cũ, vẫn chưa đột phá mạnh về tư duy, hành động trong quản trị, điều hành, năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh, tính công khai, minh bạch, khó tìm được cổ đông chiến lược, cách lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, vai trò cổ đông nhà nước bị quá lạm dụng hoặc trong trình trạng chỉ giữ vai trò như người giữ vốn nhà nước.

Mục tiêu cổ phần hóa, ngoài việc đa dạng hoá sở hữu, giảm tính độc tôn của sở hữu nhà nước, là chuyển DNNN thành DN cổ phần với cấu trúc quản trị hiện đại, đồng thời sau cổ phần hóa tiếp tục cải thiện quản trị DN theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế quản trị DN tại các DN chuyển từ DNNN thành công ty cổ phần nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến, thay đổi rõ rệt. Trong khi, sự phân biệt rạch ròi giữa 2 loại thoái vốn là chưa có. Cụ thể là, chưa xác định rõ tính chất, mục tiêu, thẩm quyền quyết định đối với từng loại thoái vốn. Vẫn còn tình trạng đánh đồng giữa thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương tái cơ cấu DNNN và thoái vốn để tiếp tục cổ phần hóa DN có vốn nhà nước ở giai đoạn sau cổ phần hóa.

Để giải bài toán trên, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đổi mới nhận thức về cổ phần hoá và tư nhân hoá thì điều quan trọng là không nên chạy theo tiến độ cổ phần hóa bằng mọi giá. Theo kế hoạch đưa ra là 2 năm 2014 - 2015 phải cổ phần hóa 432 DNNN. Năm 2014 đã cổ phần hóa 143 DN, số còn lại của năm 2015 là 289 DN, đây là con số cao hơn rất nhiều so với bình quân năm ở các giai đoạn 2011 - 2015. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và mới dần chuyển sang phục hồi thì kế hoạch cổ phần hóa này là rất tham vọng cả về con số DN cổ phần hóa và tiến độ thực hiện.

Có một số lý do để có thể xem xét lại kế hoạch và tiến độ cổ phần hóa năm 2015: (i) Số lượng DN đưa vào kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 cao hơn rất nhiều so với trung bình hàng năm của giai đoạn 2011 - 2014 khi kinh tế suy thoái mạnh và chỉ mới bắt đầu phục hồi chậm. Nhìn từ số liệu DN cổ phần hóa trong 3 năm 2011 - 2013 cho thấy, kinh tế suy giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến cầu của nền kinh tế, từ đó có ảnh hưởng đến lượng cổ phần IPO hay bán ra được từ các DN cổ phần hóa. Trong bối cảnh đó, việc cổ phần hóa là không thật có lợi nhìn từ phía cung là DNNN và Nhà nước; (ii) Cổ phần hóa trong bối cảnh tái cơ cấu đòi hỏi tiến hành tái cơ cấu DN trước - một giai đoạn cần thiết trước khi cổ phần hóa. Cần dành thời gian cho tái cơ cấu DN thay vì chạy theo tiến độ, hoàn thành cổ phần hóa ngay; (iii) Điều quan trọng đối với DN cổ phần hóa không phải chỉ là hoàn thành cổ phần hóa, đăng ký DN thành công ty cổ phần, mà chủ yếu ở việc cải thiện quản trị DN, hiện đại hóa DN để tăng sức cạnh tranh. Điều này cũng cần có nhiều thời gian hơn.

Bên cạnh đó, cần thay đổi quan điểm và cách tiếp cận cổ phần hóa trong tái cơ cấu DNNN. Cách tiếp cận cơ cấu lại DNNN và cổ phần hóa là chuyển mạnh sang áp dụng các biện pháp tái cấu trúc có tính thị trường nhưng cũng nên sử dụng quyền lực của chủ sở hữu một cách đúng đắn và minh triết. Đó là, thực hiện các biện pháp tạo lập, kích thích, nuôi dưỡng, phát triển những yếu tố thị trường trong loại bỏ hay tiếp tục duy trì DNNN. Đồng thời, tạo sức ép hành chính đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, cổ phần hóa.

Đối với các DNNN quy mô lớn như tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, việc cổ phần hóa cần phải có sự lựa chọn và các bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước cũng như định hướng phát triển kinh tế của Đảng. Việc cổ phần hóa không thể thực hiện ồ ạt ngay từ thời điểm cổ phần hóa mà phải được tiến hành theo nhiều giai đoạn phù hợp với kế hoạch và lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn nhà nước. Hay nói cách khác, cần có những hướng dẫn cụ thể và các bước triển khai thận trọng khi cổ phần hóa các DNNN quy mô lớn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng.

Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh lại cách thức thoái vốn đầu tư ngoài ngành hiện nay theo một số nguyên tắc: Nhà nước chỉ nên đưa ra chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành và đưa ra một số nguyên tắc chung căn cứ vào đó để DN áp dụng; không nên quy định cụ thể tỷ lệ % thoái vốn, vì như vậy là can thiệp sâu vào DN, trái với nguyên tắc thị trường và thể chế thị trường chúng ta đang xây dựng và hướng tới. Nhà nước chỉ hành xử trên tư cách và với tâm thế của nhà đầu tư, cổ đông nhà nước, thực hiện quyền của nhà đầu tư, cổ đông nhà nước không phải với tư cách cơ quan quản lý nhà nước. Không nên chuyển tải ý chí Nhà nước bằng các quy định có tính quy phạm pháp luật có hiệu lực chung.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần căn cứ đặc điểm của từng DN, chủ yếu là hiệu quả đầu tư trong và ngoài ngành; tiềm lực tài chính DN; triển vọng ngành kinh doanh chính; sản phần ngành kinh doanh chính ở giai đoạn nào, nếu ở giai đoạn thoái trào thì cần xem lại chính sách thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, để chuyển sang đầu tư ngành kinh doanh chính mới triển vọng hơn. Đối với DN đang kinh doanh có hiệu quả ở cả ngành kinh doanh chính và ngoài ngành kinh doanh chính thì quyền quyết định thoái vốn đầu tư ngoài ngành cần trao cho bộ máy quản trị, điều hành của DN căn cứ theo tín hiệu thị trường.

Theo Thông tin Tài chính

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Ngân hàng Nhà nước có “chơi đẹp” với tỷ giá?

(Vay thế chấp) - “Hôm nay tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng thị trường vẫn tự cân đối được cung - cầu”...

Sáng 12/6, VnEconomy có cuộc trò chuyện với một lãnh đạo vụ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước. Nội dung chính xoay quanh diễn biến của tỷ giá USD/VND.

“Hôm nay tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng thị trường vẫn tự cân đối được cung - cầu. Thậm chí hôm trước xuất hiện một nhu cầu lớn, diễn biến vẫn êm”, lãnh đạo chuyên trách trên trả lời khi được hỏi thị trường đang giao dịch như thế nào.


Thị trường đang tự dưỡng

Cuối chiều cùng ngày, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại nhích nhẹ 10 VND.

Vì sao có dự tính trên? Lý giải sau đó tưởng như không liên quan, có lẽ cũng không có kiểu ảnh hưởng này trong các mô hình phân tích hay dự báo nào đó.

Trong ngày, lãnh đạo khối nguồn của các ngân hàng thương mại cùng hẹn tham gia một diễn đàn chuyên đề. Lãnh đạo vụ chuyên trách trên giải thích, vì vắng mặt trên thị trường, nên trước đó họ đã chủ động đóng vị thế các giao dịch cần thiết, thị trường sau đó tạm thiếu vắng các quyết định lớn và giao dịch hạn chế đi, các quyết định tạo cung lớn có thể tạm vắng dẫn đến tỷ giá tăng.

Tỷ giá nhích lên, song trong tuần ổn định vừa qua, thị trường vẫn tự dưỡng được. Thậm chí giữa tuần xuất hiện một nhu cầu lớn, đến từ ngạch dầu khí, quy mô 25 triệu USD, những không gây sóng sánh và Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp.

Nhưng trước đó hoạt động bán ra ngoại tệ để bình ổn đã phải triển khai. Áp lực đối với bình ổn tỷ giá USD/VND thể hiện khá rõ.

Giống với những năm gần đây, dư thừa tiền đồng luôn ám ảnh tỷ giá. Tháng 5 và đầu tháng 6, trong khi trái phiếu Chính phủ liên tiếp đấu thầu thất bại, thì lượng trái phiếu và tín phiếu đáo hạn dồn về, quy mô cỡ 100.000 tỷ đồng. Dư vốn, nhà kinh doanh thường tìm đến những nơi sóng sánh…

Đồng thời, tại một số thời điểm, cung - cầu có biểu hiện mất cân đối. Nhà điều hành bán ra. Nói một cách dân dã, hành động này có thể xem là “chơi đẹp”.

Bởi vì sau khi đưa ra thông điệp không tiếp tục phá giá VND cho đến hết năm, thị trường chờ đợi hiện thực giữa nói và làm. Ngân hàng Nhà nước bán ra, thể hiện bằng nguồn lực bình ổn cụ thể chứ không chỉ ở lời nói nữa.

Nhưng mức độ “chơi đẹp” đến đâu? Thông tin phản ánh trên thị trường gần đây cho biết, các ngân hàng thương mại đăng ký mua 500 triệu USD, nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ bán ra 200 triệu USD.

Lãnh đạo vụ chuyên trách trên cho VnEconomy biết, không có chênh lệch cung - cầu lớn như vậy.

“Cũng có thể có tình huống, khi thấy Ngân hàng Nhà nước bán ra, tỷ giá giảm và các ngân hàng thương mại nhận thấy có thể mua được trên liên ngân hàng giá thấp hơn từ nhà điều hành, nên họ rút nhu cầu. Nhưng, ngay cả không rút, nếu có đơn đăng ký mua vẫn được đáp ứng. Bởi vì đã can thiệp là phải triệt để, đáp ứng đầy đủ và quyết liệt, còn nếu nửa vời thì sẽ còn khó khăn hơn”, vị lãnh đạo trên nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, hai tuần qua tỷ giá khá ổn định, một phần cũng do nó đang có được một điểm cân bằng khá hợp lý trong các cân đối, nhất là với lãi suất trong tính toán của các ngân hàng thương mại, cũng như với trạng thái vốn “đô” - “đồng”…

“Chơi đẹp” để giữ niềm tin

Khi Ngân hàng Nhà nước “chơi đẹp”, các thành viên thị trường sẽ có niềm tin. Như lúc này, mốc giá 21.820 VND là chốt chặn mà nhà điều hành căn bán ra để bình ổn, họ nhìn vào đó.

Khi các thành viên thị trường có niềm tin, họ sẽ bán ra ngoại tệ cho khách hàng, ngay cả khi trạng thái âm. Vì họ tin có Ngân hàng Nhà nước bán ra hỗ trợ khi cần cân đối trạng thái. Kinh nghiệm này đã được đúc rút trong thử thách nổi bật năm ngoái, nhà điều hành đã bán ra cỡ khoảng 1 tỷ USD giúp hệ thống cân đối trạng thái và tỷ giá sau đó nhanh chóng hạ nhiệt.

Ngược lại, khi không “chơi đẹp” và các ngân hàng thương mại thiếu niềm tin, họ có thể tăng cường phòng thủ bằng đóng bớt trạng thái qua hạn chế bán ra cho khách hàng và tăng mua vào, hiệu ứng cầu càng lớn. Thậm chí, khi thiếu niềm tin, không loại trừ cả những trường hợp nâng trạng thái ngoại tệ để đầu cơ.

Trong nhiều trường hợp, chí phí để lấy lại niềm tin có thể lớn hơn nhiều so với lợi thế đã có và giữ nó.

Với các doanh nghiệp, khi quãng định hướng giữ ổn định tỷ giá được khẳng định đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự quyết liệt để đảm bảo, thì họ bớt đi thời gian và nguồn lực phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong ngắn hạn; thời gian và nguồn lực đó được dùng cho việc khác. Các ngân hàng thương mại cũng vậy.

Dĩ nhiên, rủi ro tỷ giá đường xa vẫn không thể lơ là.

Trong ngắn hạn, sự ổn định được nhà điều hành cam kết giữ. Nhưng trong trung dài hạn, như từ năm 2016, các tính toán vĩ mô tạm thời vẫn để ngỏ. Và trong tính toán này, có một điểm mới đáng chú ý.

Đó là, mới đây, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước đưa ra 6 lý do không tiếp tục phá giá VND, mà lý do thứ 5 cần được để mắt.

Cụ thể, lý do thứ 5 dẫn một tham chiếu lần đầu tiên xuất hiện trong các thông điệp điều hành những năm gần đây: “Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia IMF trong thời gian qua cũng cho thấy tỷ giá VND/USD hiện đang trong vùng phù hợp, chưa có dấu hiệu ngược lại”.

Trong khi giới học thuật trong nước, thậm chí cả nhà điều hành, còn “tranh luận ngầm” về việc VND bị đánh giá quá cao hay không, đâu là năm gốc và vì sao lại lấy năm đó làm năm gốc…, thì tham chiếu trên có thể hiểu là một lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước.

Nghiên cứu trên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là gì? Đó là một mô hình mới đối với Việt Nam để xác định các vùng tỷ giá. Một số nhận định ban đầu đánh giá mô hình của IMF áp dụng hiệu quả và hợp lý hơn so với các mô hình cũ mà một số tổ chức nghiên cứu trong nước vẫn đang áp dụng.

Mới và cũ, hiệu quả và phù hợp hơn như thế nào, thời gian tới hẳn sẽ có những tranh luận học thuật, cũng như bên cạnh định hướng giữ ổn định tỷ giá thì vẫn thường xuyên có các đề xuất tiếp tục phá giá…

Minh Đức
vneconomy

Chứng khoán chiều 19/6: Blue-chips ào ạt tăng theo ETF

(Vay thế chấp) - Thị trường chứng kiến những giao dịch đối ứng hoành tráng và giá được đẩy tăng ồ ạt...

Thực ra chiều nay lại không có nhiều hấp dẫn vì cách thức giao dịch của quỹ ETF đã trở nên quá quen thuộc với nhà đầu tư. Thị trường chứng kiến những giao dịch đối ứng hoành tráng và giá được đẩy tăng ồ ạt.

Thị trường mất khoảng 10 phút để cung cầu thể hiện rõ nét hơn. Cũng như các lần tái cân bằng trước, vừa chuyển sang giao dịch định kỳ đóng cửa, những lô hàng lớn được tung vào thị trường ở mức hàng triệu đơn vị giá ATC. Giá đóng cửa dự kiến ở hàng loạt cổ phiếu bắt đầu có những biến động bất thường, đặc biệt là các mã bị giảm tỷ trọng, thậm chí là ở mức sàn.

Khi các lệnh bán ATC không còn tăng thêm nữa là lúc bên mua bắt đầu nhồi lệnh lớn. Giá trần và giá ATC mua/bán cũng bắt đầu được xếp hàng bằng những lô lệnh lớn. Lập tức giá đóng cửa dự kiến có thay đổi và phần lớn là thay đổi theo hướng tích cực.

Sức mua của nhà đầu tư hôm nay là rất tốt. Chẳng hạn OGC, bị bán gần 9,9 triệu cũng không bõ bèn gì vì phía mua chất lệnh tới 30 triệu cổ ở hai giá cao nhất. MSN ban đầu “choáng” với hơn 450.000 cổ tung ra bán và giá dĩ nhiên xuống tận mức sàn 72.500 đồng. Cầu vào mua sau đó đã nâng được giá đóng cửa lên 76.000 đồng, chỉ còn giảm dưới tham chiếu 1,94%.

Có thể kể ra khá nhiều cổ phiếu trong diện bị bán có biến động tưng tự như SSI, KBC, KDC, VCB, VIC. Không phải cổ phiếu nào cũng chỉ thu hẹp được mức giảm. KBC đóng cửa tăng 1,92%, VIC tăng 0,99%, VCB tăng 3,56%...

Độ rộng của HSX - sàn tập trung phần lớn các giao dịch ETF - khá tốt lúc đóng cửa, đặc biệt là tại các blue-chips. Toàn sàn này ghi nhận 124 mã tăng/78 mã giảm, VN30 có 18 mã tăng/8 mã giảm.

VN-Index được hỗ trợ rất tốt từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng như VCB, CTG, BID, STB tăng rất mạnh. Chỉ số đóng cửa tăng 0,75%, lên mức 584,7 điểm. VN30-Index tăng 0,47%.

Tổng hợp giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên HSX, không chỉ là của riêng hai quỹ ETF, vị thế mua ròng được củng cố. Những cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất là PPC (81,8 tỷ đồng), MSN (35,8 tỷ), SSI (33,8 tỷ), HPG (31,5 tỷ), OGC (28,6 tỷ), KDC (28,2 tỷ), CII (16,6 tỷ), VIC (12,8 tỷ).

Phía mua, dẫn đầu là STB với 434,4 tỷ đồng, ITA với 55,6 tỷ, FLC với 39,2 tỷ, BVH với 16,2 tỷ, BID: 15,8 tỷ, JVC: 13,9 tỷ, DPM: 13,2 tỷ, HAG: 12,4 tỷ, HHS: 10 tỷ.

Tổng giá trị mua vào qua khớp lệnh trên HSX là 1.025,9 tỷ đồng, giá trị bán ra là 667,5 tỷ đồng. Mức vốn vào ròng là 358,4 tỷ. Thỏa thuận ròng -171,6 tỷ. Sàn HNX đóng góp thêm 76,4 tỷ đồng ròng.

Riêng phiên chiều nay thanh khoản đạt khoảng 2.389,2 tỷ đồng thì gần 56% dồn vào đợt đóng cửa. Như vậy thanh khoản phiên chiều giao dịch liên tục cũng khá cao. Tổng giá trị khớp lệnh cả phiên nhờ đó vọt lên mức 3.707,8 tỷ đồng, mức cao nhất trong 9 phiên.

Phiên hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của hai quỹ ETF và thị trường đã giải tỏa được áp lực tâm lý một cách khá nhẹ nhàng. Các cổ phiếu được giao dịch tốt và không bị ảnh hưởng quá lớn đến giá. Ngoài ra thanh khoản đã phục hồi mạnh mẽ khi đợt ATC đã hút được dòng tiền trở lại.

Lan Ngọc
vneconomy.vn



Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Previous Next Không để doanh nghiệp không vay được vốn

(Vay thế chấp) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Theo ông Minh, qua bốn năm triển khai đến nay, chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã phát huy tác dụng tốt và chưa phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Tuy nhiên vẫn còn DN “kêu” chưa tiếp cận được vốn. Do đó, tới đây NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn để nắm tình hình, số lượng DN có nhu cầu mà chưa được vay, nguyên nhân từ đâu.

Nếu DN đủ điều kiện, NHNN TP.HCM sẽ yêu cầu các NH giải quyết cho vay, đảm bảo sắp tới sẽ không còn tình trạng DN đủ điều kiện nhưng không vay được vốn.

A.H.
Theo: tuổi trẻ