Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Chấp chới cho vay tín chấp

(Vay thế chấp) - Tại buổi gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định hiện NHNN đang xây dựng các cơ chế chính sách cho vay tín chấp thí điểm đối với một số loại hình DN. Như chương trình kết nối DN - Ngân hàng có sự tham gia của NHNN và UBND các tỉnh, thành làm trọng tài tiến hành cho vay tín chấp, được một số DN thực hiện khá hiệu quả.


“Cho vay tín chấp nói chung hiện chưa có môi trường và cơ chế, nếu buộc ngân hàng cho vay hết thì cũng rất nguy hiểm. Vì vậy trước mắt phải làm thí điểm với các cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ. Nếu các DN làm ăn bài bản, ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Ngân hàng không thiếu tiền

Tại đây, nhiều DN có ý kiến về việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, đặc biệt là vay tín chấp và vay trung dài hạn. Mặc dù Chính phủ và NHNN đã khuyến khích, nhưng các ngân hàng vẫn chưa muốn mở hầu bao.

“Thực tế, nhiều DN không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng bằng hình thức tín chấp, cho dù, nếu có tài sản thế chấp, ngân hàng sẵn sàng cho vay. Bằng giải pháp nào đó, ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp thông qua các bảo lãnh uy tín từ các hiệp hội”, ông Lê Thanh Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Trường Sơn, kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ khóa 3, cũng đề nghị cần phải tăng cường kết nối giữa ngân hàng và DN để tạo dựng niềm tin tăng cường cho vay tín chấp. NHNN cần mở rộng cơ chế để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn vay tín chấp một cách dễ hơn.

Nhiều ý kiến cũng phản ánh việc tiếp cận tín dụng ngân hàng bằng hình thức tín chấp rất khó khăn, trong khi DN hiện đang có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất nhưng không còn tài sản thế chấp hoặc ngân hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là nhà xưởng và máy móc thiết bị. Nếu không có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho vay tín chấp thì DN sẽ rất khó khăn.

Về vấn đề này, Thống đốc khẳng định ngân hàng lúc nào cũng có tiền và không có DN nào tốt đến ngân hàng mà không được vay vốn, thậm chí, còn được ngân hàng săn đón.

Dù vậy, Thống đốc cũng không đồng tình với việc các ngân hàng khi cho vay chỉ đòi hỏi các DN phải có tài sản thế chấp. Cách làm này chắc chắn không thể phát triển được. Nhưng nếu cho vay tín chấp dưới chuẩn, ngân hàng có thể sẽ dẫn tới hệ lụy vô cùng lớn, là làm mất tiền gửi của người dân.

“Có một thực tế không thể phủ nhận, là nếu so với các DN trên thế giới, DN Việt Nam đang có kỷ luật tài chính lỏng lẻo nhất, trong đó báo cáo tài chính chưa minh bạch, chưa có kỹ năng trong quản lý dòng tiền. Nhiều DN vay tiền nhưng chưa thực sự biết “xót” và có trách nhiệm với đồng tiền vay”, Thống đốc nhìn nhận.

Thông điệp từ phía ngân hàng đưa ra là hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN trẻ, không để một ý tưởng kinh doanh hiệu quả thiếu vốn để đầu tư sản xuất.

Những dự án tốt, DN chứng minh được dòng tiền, doanh thu ổn định, làm ăn bài bản và có hiệu quả đều được các NHTM xem xét cho vay vốn để đầu tư sản xuất, kể cả hình thức tín chấp.

Các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng

Rào cản  khó gỡ

Mặc dù vậy, việc mở rộng cho vay tín chấp không hề đơn giản. Theo ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho vay tín chấp là câu chuyện hai chiều, rất nhiều thập kỷ mới có môi trường lãi suất ổn định, tỷ giá, ngân hàng đuổi theo DN tốt. Các ngân hàng xếp hàng cho vay tín chấp còn cạnh tranh nhau giảm lãi suất.

“Tuy nhiên, cho vay tín chấp cần phải có tiêu chuẩn, DN phải đạt điều kiện đó thì ngân hàng mới dám cho vay. Tiền để cho vay là tiền huy động của người dân, do vậy, ngân hàng phải có niềm tin. DN phát triển đến một quy mô nào đó, có thể cho vay tín chấp thông qua lịch sử tín dụng chứ ngân hàng không thể cho vay không có điều kiện”, ông Dũng chia sẻ.

Nói như vậy, có nghĩa là để cho vay tín chấp, ngân hàng và DN sẽ phải hiểu nhau, ngân hàng cũng cần có điều kiện để hiểu DN hơn, nhưng ngược lại, DN cần có sự minh bạch trong kinh doanh, báo cáo tài chính cần có kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập. Đây chính là điều kiện quan trọng để ngân hàng xem xét, đánh giá, so sánh với DN cùng ngành để đưa ra quyết định cho vay và xây dựng mô hình cho vay tín chấp hay thế chấp.

Cùng vấn đề này, Ts. Cấn Văn Lực, Chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng lý do khiến cho vay tín chấp ở Việt Nam khó phát triển là vì ngân hàng không đánh giá được năng lực tài chính của DN.

Trong khi đó, môi trường hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phức tạp, khi xảy ra rủi ro thì các bên đùn đẩy trách nhiệm, ngân hàng không biết “túm” vào đâu để xử lý. Bên cạnh đó, xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng khiến các lãnh đạo NHTM “chùn tay” khi quyết định cho vay tín chấp. Vì vậy, để hình thức cho vay tín chấp phát triển, các DN cần phải cải thiện tính minh bạch về thông tin tài chính, phương án kinh doanh.

Rõ ràng, chủ trương thúc đẩy cho vay tín chấp của NHNN là đúng đắn, nhưng cần phải tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại để chính sách đi vào thực tiễn đời sống DN.

Nếu chủ trương này cùng với sự thay đổi tư duy của DN và ngân hàng thay đổi thì sẽ có một bước tiến dài trong mối quan hệ tín dụng này. Song, sự nỗ lực trên cần phải có sự hỗ trợ của hệ thống pháp lý.

Minh Huệ
Thời báo kinh doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét